Kể từ khi chào đời, con gái BTV Đài Trang mắc bệnh teo ống mật bẩm sinh. Đến nay, thể trạng của bé còn yếu, cơ hội sống phụ thuộc vào việc ghép gan.
Một ngày giữa tháng 7, trên mạng xã hội, nhiều BTV của Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ câu chuyện về một người phụ nữ trẻ với quyết định hiến gan để cứu con gái 9 tháng tuổi mắc bệnh teo ống mật bẩm sinh. Người phụ nữ đó là Đài Trang – BTV phòng Tiếng Anh của kênh VTV4.
Zing đã có cuộc nói chuyện với BTV Đài Trang. Dưới đây, PV xin trích đăng lại những chia sẻ của nhân vật và xin giữ vẹn nguyên câu chữ, cách kể chuyện, xưng hô của nhân vật.
“Trong cuộc đời tôi từng trải qua nhiều biến cố nhưng chưa có nỗi đau nào dai dẳng và bất lực như việc con gái thứ hai bị bệnh nặng gần một năm qua. Bây giờ, tôi không thể khóc được nữa, cũng chẳng còn thời gian để phải đắn đo hay suy nghĩ nhiều. Quyết định hiến một phần gan cho con là chuyện nhất định phải làm. Là cha mẹ, chỉ cần con khỏe. Nếu chết thay con, tôi cũng sẵn lòng”, Đài Trang trải lòng.
“Tôi sụt hơn 20 kg khi con bệnh”
Tôi là Lê Vân Đài Trang (29 tuổi) là BTV phòng Tiếng Anh của kênh VTV4, thuộc Đài truyền hình Việt Nam. Năm 2015, tôi lên xe hoa với người yêu gắn bó nhiều năm. Hai năm kể từ khi lập gia đình, vợ chồng tôi đón con trai đầu lòng. Khi bé được hai tuổi, tôi quyết định sinh con thứ hai.
|
BTV Đài Trang chia sẻ về quyết định hiến gan cho con gái. Ảnh: NVCC. |
Con gái thứ của tôi là Đặng Lam Diệp chào đời vào một ngày đầu tháng 10/2019 trong niềm vui, hạnh phúc của cả gia đình. Khi sinh ra, bé nặng 3,8 kg, khỏe mạnh, hồng hào. Ở nhà, con gái được mọi người gọi tên là bé Tròn vì vẻ ngoài tròn trịa, đáng yêu.
Một tháng đầu, trộm vía bé ăn ngoan, ngủ tốt. Tính ra con gái thứ 2 “dễ nuôi” hơn đứa đầu. Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm và tự tin về khả năng chăm sóc em bé của mình.
Những ngày êm đềm trôi qua…
Khi bé Tròn được khoảng 1,5 tháng, tôi phát hiện con có nhiều triệu chứng bất thường. Bé bú mẹ ít hơn và thường xuyên quấy khóc. Cả ngày, Tròn ôm mẹ không rời. Ban đêm bé khóc ngằn ngặt, da hơi vàng và bị sụt ký thấy rõ.
Quá lo lắng, tôi nói chuyện với chồng về tình trạng của con. Hai vợ chồng ngay lập tức đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Bác sĩ làm một số xét nghiệm và kết luận con gái tôi bệnh teo ống mật bẩm sinh.
Thời điểm ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản là con gái mắc bệnh nhẹ và sẽ khỏi sau khi điều trị. Tôi gửi bé đầu cho ông bà nội trông và dành hết thời gian để chăm sóc con thứ hai ở viện. Chồng tôi vẫn tiếp tục công việc của anh để đảm bảo tài chính cho gia đình.
Sau hai tuần đầu theo dõi ở viện, tình hình sức khỏe của bé không có nhiều tiến triển. Đêm nào con gái tôi cũng khóc và quấy mẹ. Những bữa ăn qua loa, ngày ngủ hơn hai tiếng là tình trạng lặp đi lặp lại của tôi ở khoảng thời gian đó. Từ một người nặng 77 kg khi mang thai, tôi sụt còn 52 kg, khuôn mặt phờ phạc, mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Thỉnh thoảng, tôi nhức đầu, chóng mắt do thiếu máu lên não.
|
Vợ chồng Đài Trang và con trai đầu lòng. Bé trai hiện được gửi cho ông bà, để 2 vợ chồng BTV dành thời gian lo cho con gái chữa bệnh. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, đối với một người mẹ, những điều này chẳng thấm tháp gì. Tôi chỉ cần con khỏe mạnh trở lại.
Những ngày ở viện, chứng kiến cảnh những em bé xung quanh mắc bệnh giống con, cơ thể ngày càng teo tóp, da vàng vọt, không có sức sống, tôi thương vô cùng. Có những bà mẹ ở quê, hoàn cảnh gia đình vất vả, khó khăn cũng bỏ hết công việc để theo con lên thành phố chữa trị nhiều tháng trời. Lúc ấy, tôi thầm nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều người. Tôi có sự hỗ trợ của gia đình hai bên, chồng và đặc biệt là đồng nghiệp ở Đài.
Khi quay trở lại với công việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, tôi được lãnh đạo Đài và đồng nghiệp tạo điều kiện hết sức để chăm sóc con bệnh. Một tuần, tôi chỉ phải lên cơ quan hai ngày. Thời gian còn lại, tôi ở trong viện với bé Tròn. Bạn bè thân thiết luôn nhắn tin hỏi thăm hàng ngày. Ai cũng lo lắng cho tình trạng bệnh của con gái tôi và mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ trong điều kiện cho phép.
Nhiều đồng nghiệp thường xuyên gửi đồ ăn, trà sữa vào bệnh viện để tiếp sức cho tôi. Trong đời tôi chưa bao giờ nhận được tình cảm, sự yêu thương từ mọi người nhiều đến thế. Tôi không biết nói điều gì để cảm ơn tấm lòng từ phía bạn bè, đồng nghiệp. Những sự giúp đỡ này, tôi và gia đình luôn ghi lòng tạc dạ.
“Tôi quyết định hiến một phần gan cho con”
Khi Lam Diệp được 9 tháng tuổi, tình hình sức khỏe bé trở nên nguy kịch. Gan của con đã mất các chức năng và bắt buộc phải thay mới có hy vọng giữ được mạng sống.
– “Con gái tôi còn sống được khoảng 3 tháng nữa không bác sĩ?”
– “Chúng tôi cũng không chắc chắn. Vì chỉ số PELD của bé là 32, tức là khả năng tử vong trong 3 tháng là 50%”, bác sĩ nói.
Lúc đó, tôi muốn ngất xỉu, toàn thân choáng váng. 9 tháng qua, tôi chưa một lần khóc nhưng bây giờ mọi thứ như vỡ òa. Tôi cảm giác ngày mình rời xa con sắp đến gần.
Với tất cả sự lý trí còn lại của một người mẹ, tôi chạy vạy tất cả những bệnh viện nhi và gõ cửa các bác sĩ hàng đầu về gan ở Việt Nam. Tôi không ăn, ngủ nhiều ngày. Khi con ngủ, tôi lại lên mạng tìm kiếm tất cả các thông tin về bệnh của con và vào những hội, nhóm liên quan đến vấn đề ghép gan ở trong nước cũng như trên thế giới để đọc thông tin.
Theo tìm hiểu tại một số nơi như Bệnh viện Việt Đức hay Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, việc ghép gan chỉ tiến hành cho người trên 10 tuổi. Từ đó, gia đình tôi quyết định đưa con sang Đài Loan để ghép gan và xử lý nối ống mật.
Và tôi là người hiến một phần gan mình cho con.
Quyết định này của tôi vấp phải sự phản đối của họ hàng và một số người quen biết. Ai cũng lo lắng cho sức khỏe của tôi. Tuy nhiên, cha mẹ và người thân trong gia đình luôn tôn trọng quyết định của con gái. Họ nói phải tìm tất cả mọi cách để cứu bé Tròn.
Tất cả cùng chạy vạy làm thủ tục, giấy tờ gửi lên đại sứ quán, cục hàng không… để có chuyến bay sang Đài Loan trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, đến tận thời điểm này, mẹ con tôi vẫn chưa nhận được quyết định để lên đường.
Về phía mình, khi đưa ra quyết định hiến một phần gan để cứu sống con gái, tôi chưa một phút giây chần chừ, suy nghĩ. Vì con, tôi sẵn sàng hiến tất cả những bộ phận trên cơ thể, không chỉ là gan. Tôi nghĩ không chỉ mình, mà ai làm mẹ rồi cũng sẽ đưa ra quyết định như vậy.
Theo phân tích của các bác sĩ, tôi và bé Tròn có cùng nhóm máu nên việc ghép gan có khả năng thành công cao và thuận lợi. Tuy nhiên, ca ghép gan phải được tiến hành trong tuần cuối cùng của tháng 7, nếu không mọi cố gắng đều không còn giá trị.
Chi phí cho ca ghép gan lần này khoảng 3 tỷ đồng vượt ngoài sự xoay xở của gia đình. Thời gian qua, bố mẹ hai bên, vợ chồng tôi đã gom góp và vay mượn khắp nơi nhưng vẫn chưa đủ. Tôi có tâm sự khó khăn của gia đình cho một số người bạn thân.
Đến ngày 14/7, khi vừa ngủ dậy, lướt mạng xã hội, tôi thấy vô số những dòng chia sẻ, kêu gọi ủng hộ con gái tôi trên hành trình chữa bệnh.
Trong số đó, có những người đồng nghiệp mà tôi chưa từng gặp mặt như BTV Hoài Anh. Ai cũng gửi lời động viên, cầu nguyện cho bé Tròn vượt qua bạo bệnh. Đọc những dòng chia sẻ đó, tôi đã bật khóc.
Sắp tới đây, nếu mọi thủ tục được hoàn thành đúng dự kiến, vợ chồng tôi sẽ cùng con gái qua Đài Bắc (Đài Loan) để tiến hành ca ghép. Chồng tôi cũng đã bỏ việc để đi theo chăm sóc hai mẹ con. Tôi cùng con gái sẽ ở Đài Loan khoảng 2-3 tháng nếu ca ghép thành công.
Tôi rất thích hai câu thơ của tác giả Lưu Quang Vũ: “Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa. Tại sao cây táo lại nở hoa”. Tôi luôn tin vào phép màu của sự nỗ lực và hy sinh.
Con gái tôi nhất định khỏe lại. Và tôi sẽ làm tất cả vì con.
(Theo Zing)
Trên giường bệnh, nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn say mê dạy Mỹ Linh hát
Chuẩn bị cho đêm nhạc ”Khúc hát phiêu ly’ sắp tới, ca sĩ Mỹ Linh đã tới thăm và nhờ nhạc sĩ Phó Đức Phương dạy những câu hát cô còn ‘lăn tăn’.
Tin giải trí – Scandal mới, hot nhất showbiz Việt và thế giới
Nguồn: Internet