NSƯT Xuân Bắc cho biết nhiều game show nhí hiện nay đề cao tính giải trí, sử dụng thủ pháp câu rating mà chưa chú ý đến tính giáo dục, nâng cao giá trị thẩm mỹ.
Những năm gần đây, game show – truyền hình thực tế dành cho trẻ em như “nấm mọc sau mưa”. Những chương trình, cuộc thi đình đám dành cho người lớn ở Việt Nam như The Voice, Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Gương mặt thân quen, Tuyệt đỉnh song ca… đều có phiên bản “nhí”.
Công bằng mà nói sự bùng nổ của các cuộc thi nhí đã góp phần phát hiện nhiều gương mặt “tài năng không đợi tuổi”. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng truyền hình thực tế dành cho trẻ em hiện nay chủ yếu xoay quanh sự hào nhoáng, chiêu trò mà ít tính giáo dục, bồi đắp kiến thức.
Thậm chí, một số game show còn bị cho là lợi dụng sự trong sáng và nước mắt của trẻ em để gây sự chú ý đối với khán giả.
Không ít ý kiến cho rằng game show nhí hiện nay đang lợi dụng sự trong sáng và nước mắt của các em nhỏ.
Nhiều game show nhí chưa chú ý tính giáo dục
Là một nghệ sĩ có nhiều năm gắn bó với sân khấu thiếu nhi, NSƯT Xuân Bắc cho biết trẻ em là đối tượng đặc thù. Do vậy, muốn phục vụ trẻ em tốt nhất, đơn vị tổ chức, nghệ sĩ phải hiểu các em thích gì, muốn gì, cần gì – tức là nắm rõ tâm lý của trẻ nhỏ.
“Không phải ngẫu nhiên mà Xuân Bắc – Tự Long là những tên tuổi được các bạn nhỏ yêu thích. Chúng tôi luôn hiểu và làm đúng với nhu cầu thưởng thức của trẻ em với tinh thần của những ngưới lớn có đầy đủ nhận thức về tính giáo dục của trẻ nhỏ. Đó là lý do khiến các ông bố, bà mẹ khi dẫn con đến xem chương trình đều gật đầu đồng ý về tính giáo dục mà chúng tôi mang lại”, nam nghệ sĩ nhấn mạnh.
Xuân Bắc đồng tình rằng nhiều game show nhí hiện nay đang lấy sự trong sáng, hồn nhiên, thậm chí nước mắt của các em nhỏ để thu hút khán giả hay nói nôm na là “câu view, câu rating”.
“Tôi không có thời gian để xem tất cả chương trình. Nhưng một vài chương trình tôi xem thì nhận định đó không sai. Nhiều chương trình truyền hình thực tế nhí hiện nay đề cao tính giải trí mà chưa chú ý đến tính giáo dục.
Tính giáo dục ở đây là tính hướng thiện, là những bài học tốt đẹp có thể rút ra, là trách nhiệm của người lớn đối với thế hệ tương lai,… Tôi không xem tất cả chương trình nên không dám dùng từ lạm dụng nhưng tôi khẳng định đó là thủ pháp thu hút khán giả của nhà sản xuất”, NSƯT nêu quan điểm.
Về thủ pháp (cách), nam nghệ sĩ nhấn mạnh có những thủ pháp gây hiệu quả rất tốt. Nhưng nếu lạm dụng thì đôi khi lại gây phản ứng ngược. Và người làm chương trình nếu không biết liều lượng cần thiết thì đôi khi rất nguy hiểm.
Là người có nhiều năm liền là trưởng ban giám khảo liên hoan truyền hình toàn quốc mảng thiếu nhi, Xuân Bắc cho biết VTV là đơn vị rất chú trọng đến mảng thiếu nhi. Và không thể phủ nhận các chương trình cho thiếu nhi của nhà đài ngày một phong phú, chất lượng.
Xuân Bắc thẳng thắn tiết lộ anh chỉ cần xem không quá 10 phút đã biết chương trình đó có thực sự ý nghĩa với các em nhỏ hay không.
Xuân Bắc là nghệ sĩ được nhiều em nhỏ yêu quý.
Cha mẹ là người chịu trách nhiệm trước tiên
Trước câu hỏi “Chúng ta cần làm gì để giảm những game show nhảm nhí, vô bổ, trong đó có những chương trình truyền hình thực tế nhí nặng tính giải trí?”, NSƯT Xuân Bắc cho rằng khán giả đừng quá lo lắng vì tính giải trí cũng rất quan trọng.
Người lớn đi làm vất vả, căng thẳng, với nhiều mưu mô toan tính, trẻ em đi học bài vở ngập đầu, rất cần được giải trí. Nhưng giải trí làm sao để không nhảm nhí lại là một câu hỏi lớn.
“Tôi lấy ví dụ nếu chúng ta ngay lập tức hành động thì 5-10 năm những game show như vậy sẽ bị tiêu diệt. Còn không hành động thì 20, 30 hoặc 50 năm, chương trình kiểu này cũng biến mất. Đó là quy luật tự nhiên khó tránh. Nghệ thuật, phải thực sự hay và giá trị mới có thể tồn tại lâu bền”, Xuân Bắc nói.
Bên cạnh đó, nam nghệ sĩ cũng cho biết khán giả cần phải có sự chọn lựa, tránh cho các em nhỏ xem những chương trình phản cảm. Khi khán giả đã chọn lựa thì các đơn vị sản xuất những game show kiểu này sẽ phải xem lại mình. Còn về phía nhà sản xuất, nếu nhận thấy nội dung chương trình đang đi khác hướng ban đầu, họ sẽ phải tự thay đổi.
Xuân Bắc cũng nhấn mạnh việc phụ huynh không vô can trong câu chuyện về các game show nhí.
“Không có nhà sản xuất nào bắt cóc hay chuốc thuốc mê để trẻ em lên sân khấu. Sự xuất hiện của các em nhỏ trong truyền hình thực tế luôn có sự đồng ý của cha mẹ, người giám sát. Nếu có ảnh hưởng không tốt, cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm trước tiên”.
Ngoài khán giả, phụ huynh và đơn vị tổ chức, theo NSƯT Xuân Bắc, nhà quản lý cũng cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về giá trị của những game show, chương trình truyền hình thực tế hiện nay.
“Chương trình nghệ thuật hướng tới khán giả là đúng vì khán giả là đối tượng thụ hưởng nhưng không có nghĩa là chiều theo thị hiếu của khán giả. Chiều theo một bộ phận công chúng là mất định hướng trong giáo dục.
Nghệ thuật có chức năng nâng cao giá trị thẩm mỹ, hiểu nôm na là làm cho con người tốt đẹp hơn. Do vậy, cơ quan quản lý đóng vai trò rất lớn trong việc phát huy giá trị cốt lõi này”, nam nghệ sĩ nêu quan điểm.